Học sinh cấp tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển trí tuệ ở mỗi trẻ nhỏ. Độ tuổi này, trẻ nhớ rất nhanh và quên cũng nhanh, nhận thức còn rời rạc, thiếu sự liên kết. Sự tập trung chú ý của các em còn ít và dễ bị phân tán bởi các kích thích bên ngoài. Đối với trẻ em ở lứa tuổi tiểu học thì tri giác phản ánh những thuộc tính trực quan, cụ thể của sự vật, hiện tượng và xảy ra khi chúng trực tiếp tác động lên giác quan. Vì vậy, việc sử dụng đồ dùng dạy học hay sử dụng hình ảnh, âm thanh là phương tiện hữu ích để tạo sự chú ý cho học sinh. Ngày nay, khoa học đã chứng minh trẻ em học tiếng Anh nhanh hơn người lớn và nên bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ từ trước 5 tuổi, giúp trẻ làm quen và từng bước phát triển khả năng ngôn ngữ, mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh.
Với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh lớp 1, 2, tiếng Anh là môn học tự chọn giúp học sinh được làm quen với tiếng Anh, từ lớp 3 trở lên, tiếng Anh là môn học bắt buộc. Trong quá trình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, giáo viên thường gặp một số khó khăn như sau:
• Trẻ thiếu sự tập trung và dễ chán nản.
• Trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh có sự khác nhau.
• Học sinh rất khó khăn khi làm quen với ngôn ngữ thứ hai.
Với những khó khăn như trên, giáo viên không nên đặt kỳ vọng quá cao đối với học sinh tiểu học có thể nhanh chóng học tốt tiếng Anh, mà cần kiên nhẫn động viên, khuyến khích học sinh chăm chỉ học. Trong giờ dạy, giáo viên cần sử dụng tranh ảnh, phần mềm hỗ trợ, chủ động nói tiếng Anh với những câu đơn giản với từ vựng mà học sinh đã học. Khi đó, học sinh sẽ có cơ hội giao tiếp nhiều hơn để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Anh tiểu học được thiết kế giúp trẻ phát triển nền tảng ngôn ngữ và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh học tiếng Anh ở các lớp học cao hơn. Chương trình môn tiếng Anh hiện nay được thiết kế theo từng Unit (bài học) với những chủ đề gần gũi và quen thuộc, tạo được sự yêu thích và hứng thú cho học sinh. Ngữ pháp trong các sách khoa cấp tiểu học được xây dựng giúp trẻ hiểu một số quy tắc hay trật tự từ trong tiếng Anh, nắm được một số cấu trúc câu đơn giản, quen thuộc. Ở bậc tiểu học, học sinh được thực hành 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, nhưng tập trung rèn luyện kỹ năng nghe và nói.
Chính từ đặc điểm của học sinh tiểu học và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn tiếng Anh, mà trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên cần chú ý :
• Đổi mới phương pháp giảng dạy: dạy học qua trò chơi, xem phim hoạt hình; dạy từ vựng qua hình ảnh để học sinh hiểu nghĩa của từ. Sử dụng thiết bị thông minh để tăng cường sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Sử dụng các tình huống thường xảy ra trong cuộc sống thực tế gần gũi với chủ đề bài học; giáo viên thường xuyên nói tiếng Anh với câu đơn giản, để học sinh dễ nghe, dễ đọc theo. Thông qua các hoạt động hội thoại với nhiều tình huống khác nhau giúp học sinh có thể hiểu bài, ý nghĩa và cách sử dụng ngữ pháp thay vì học thuộc lòng ngữ pháp.
Tạo môi trường học tập tích cực: Giáo viên cần lồng ghép những hoạt động nghệ thuật trong bài giảng để kích thích sự sáng tạo và sự hứng thú của học sinh. Sử dụng những câu và từ đơn giản với những từ vựng đã học để học sinh dễ hiểu và tự tin khi học tiếng Anh, qua đó tạo ra môi trường học tập vui vẻ, học sinh thích thú và tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
• Đa dạng cách thể hiện trong mỗi bài giảng: Để trẻ học tiếng Anh hiệu quả, giáo viên cần đa dạng hình thức giảng dạy bằng cách sử dụng các phương tiện thông minh, tài liệu được số hóa, các phim hoạt hình, tạo ra sự mới mẻ hấp dẫn học sinh.
Sử dụng phần mền chuyển đổi số : Để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học tiếng Anh cần áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Nội dung bài học được chuyển đổi số thông qua hình ảnh, âm thanh và trò chơi kích thích tính tò mò, ham thích của học sinh. Giáo viên cần lựa chọn các phần mềm dạy học tiếng Anh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên có thể sử dụng YouTube để tìm các bài hát, ngữ liệu phù hợp để giảng dạy học sinh. Luôn bố trí thời gian nghỉ trong giờ học, để tạo sự thư giãn đối với học sinh.
• Phối hợp giữa các kỹ năng: Học sinh tiểu học cần được học đầy đủ 04 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết (chú trọng kỹ năng nghe, nói) thông qua các hoạt động trên lớp, cũng như hoạt động ngoài giờ, phối hợp giữa các kỹ năng để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.
Không gây áp lực đối với học sinh: Cần phân bổ đủ thời gian để học tiếng Anh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và bố trí thời gian học tiếng Anh tăng cường hợp lý, có giải pháp tích cực để học sinh tự học nhằm bảo đảm cho học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, từng bước sử dụng được tiếng Anh trong sinh hoạt hằng ngày. Không nên đặt nặng vấn đề điểm số hay so sánh giữa các học sinh.
• Thường xuyên phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh: Giáo viên và phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhau để giúp đỡ học sinh học tiếng Anh một cách hiệu quả. Phụ huynh có thể giúp đỡ trẻ học tiếng Anh tại nhà bằng cách cùng trẻ học và tạo ra môi trường học tập thân thiện, tích cực.
Khi cho trẻ học tiếng Anh tại nhà cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
- Trẻ phải được vừa chơi vừa học có sự giám sát và hướng dẫn của cha mẹ. Phụ huynh có thể cùng con nói tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày với các mẫu câu đơn giản. Khuyến khích học sinh nói những câu đơn giản, nói những vật dụng và thành viên trong gia đình bằng tiếng Anh.
- Thường xuyên khen ngợi các em, tạo sự tự tin, hứng khởi cho trẻ thêm yêu thích tiếng Anh.
Ngoài việc dạy học tiếng Anh trên lớp và tự học ở nhà, học sinh cần được tham gia các hoạt động ngoại khóa rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh. Các hoạt động này cung cấp cho học sinh những hoạt động học tập thú vị và tương tác với giáo viên, sinh hoạt nhóm. Khi trẻ được tham gia vào các hoạt động vui nhộn như hát hoặc diễn kịch, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu từ vựng và ngữ pháp mới một cách tự nhiên. Các hoạt động này cũng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tăng cường sự tự tin khi sử dụng Tiếng Anh.
TS. Nguyễn Đắc Hưng