Nhìn thẳng vào thực trạng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay

Nếu phương pháp dạy của giáo viên không hiệu quả và mục đích học của học sinh không đủ mạnh mẽ, hàng nghìn tỷ sẽ tiếp tục đổ sông đổ bể.

0
4927

Nếu phương pháp dạy của giáo viên không hiệu quả và mục đích học của học sinh không đủ mạnh mẽ, hàng nghìn tỷ sẽ tiếp tục đổ sông đổ bể.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bà nghiên cứu quản trị đa văn hoá bằng phương pháp liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). 

Là một người gốc Việt đã sống hơn hai mươi năm ở Hà Lan, vậy mà tiếng Hà Lan của tôi vẫn không trôi chảy như người bản xứ.

An ủi cho tôi là rất nhiều dân nhập cư có cùng niềm than vãn. Lý do thì có nhiều, nhưng lý do lớn nhất là vì người Hà Lan nói tiếng Anh ngang ngửa tiếng mẹ đẻ của chính họ. Mỗi lần thấy người nước ngoài hoặc người nhập cư chỉ cần hơi trúc trắc trong việc tìm câu chữ là họ nhanh nhẹn muốn giúp đỡ, đổi ngoặt sang tiếng Anh.

Có một thời gian, tôi quên quá nhiều tiếng Hà Lan nên nằng nặc đòi người bán hàng đừng nói tiếng Anh. Ông ta nhìn tôi như thể một kẻ thừa hơi rỗi việc, tự ôm rơm rặm bụng vậy.

Tại sao người Hà Lan lại giỏi ngoại ngữ?

Trong bảng biểu năm 2018 những quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất, Hà Lan đứng đầu cùng Thuỵ Điển và Singapore. Giáo dục ở Hà Lan từ thế kỷ thứ 16 đã coi trọng việc nói tiếng Pháp và tiếng Flemish. Một thời gian dài tầm đầu thế kỷ 20, giáo dục Hà Lan nở bung những phương pháp dạy ngoại ngữ khác nhau để tìm ra một giải pháp học tốt nhất.

Người Hà Lan thực dụng, luôn lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. Vì vậy, để đánh giá vấn đề học ngoại ngữ, câu hỏi lớn nhất họ đặt ra là: “Phương cách này có đạt mục đích hay không?” Nhu cầu học tiếng nước ngoài của người Hà Lan, vì vậy, cũng rất mang tính thực dụng.

Thế kỷ thứ 17, nhiều người Pháp, Tây Ban Nha di cư đến Hà Lan, đem theo tiền bạc và kiến thức. Dòng dân cư này tạo ra một thời kỳ hoàng kim cho kinh tế Hà Lan, lịch sử gọi là the The Golden Age.

Các chiến thuyền và công ty tư nhân của Hà Lan sánh vai cùng các cường quốc thuộc địa khác như Tây Ban Nha, Anh, Bồ Đào Nha vươn cánh ra khắp năm châu, dùng tiền bạc và sức mạnh để thống trị thế giới. Hà Lan trở thành nơi sinh ra sàn chứng khoán đầu tiên và Amsterdam trở thành một trung tâm kinh tế văn hoá hùng mạnh của châu Âu.

Với lịch sử buôn bán thông thương quốc tế như vậy, người Hà Lan không quá coi trọng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Giờ đây, ý thức được mình là một đất nước nhỏ, phải mở cửa thì mới phát triển, họ hiểu rằng ngôn ngữ là công cụ kinh tế. Các nhạc sĩ ca sĩ ở Hà Lan cũng hát và sáng tác bằng tiếng Anh. Một vài người hát tiếng Hà Lan được coi là của độc. Các chương trình TV nước ngoài đều không lồng tiếng và dùng phụ đề.

Gần như 100% các nhà khoa học Hà Lan đều viết báo cáo khoa học và công bố các công trình khoa học bằng tiếng Anh, thậm chí các tạp chí khoa học bằng tiếng Hà Lan nhiều khi không được tính là tạp chí khoa học.

Hiện nay, trẻ em Hà Lan đều học tiếng Anh từ nhỏ. Phương pháp học thực dụng lấy mục tiêu để đánh giá nên chủ yếu thiên về nghe nói, rất ít ngữ pháp. Ngoài ra, các em học sinh Hà Lan cũng ý thức rất rõ TẠI SAO phải học ngoại ngữ. Hỏi bất kỳ một em học sinh trung học nào, em đó cũng có thể trả lời rằng Hà Lan có truyền thống thông thương, đất đai nhỏ hẹp, phải học ngoại ngữ để phát triển kinh tế.

Ngày càng nhiều trường ở cấp phổ thông trở thành bilingual school – tức là một nửa các môn học được dạy bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các em còn học thêm 1 hoặc 2 ngôn ngữ khác như tiếng Pháp và tiếng Đức. Bậc học cao nhất ở trung học học thêm tiếng Latin. Rất nhiều trường dạy thêm tiếng Tây Ban Nha, Nga, Trung, Nhật. Ở bậc đại học, các em vẫn tiếp tục học thêm ngôn ngữ, kể cả khi tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy.

Tại sao học ngoại ngữ ở Việt Nam chưa hiệu quả?

Người Việt Nam tiếp xúc với tiếng Trung, tiếng Hán từ xa xưa, nhưng chỉ giới hạn trong giới trí thức. Tiếng Anh và tiếng Pháp du nhập vào Việt Nam tầm thế kỷ thứ 19 trong các trường dòng của Pháp. Dưới chính quyền miền Nam, tiếng Anh là ngoại ngữ nhưng chỉ từ lớp 6. Sau đó, tiếng Nga thống trị nền giáo dục do mối quan hệ chính trị kinh tế giữa hai quốc gia.

Chỉ tới thời kỳ đổi mới tầm năm 1986, tiếng Anh mới bắt đầu trở thành ngoại ngữ chính trong giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, gần 40 năm trôi qua, giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam chưa khởi sắc. Trong bảng danh sách các nước thành thạo tiếng Anh, Việt Nam đứng thứ 41. Tuy là tầm trung so với thế giới nhưng chưa thực sự đúng với mong đợi của sự đầu tư.

Cụ thể là đề án ngoại ngữ quốc gia từ 2008-2020 tốn gần 10 tỉ đồng nhưng không hiệu quả. Theo báo cáo cuả báo Giáo dục, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, số bài đạt điểm từ 9 đến 10 chỉ chiếm 0,52%, điểm trung bình là 3,48. Năm 2017 điểm trung bình là 4,6. Năm 2018 còn tệ hơn: 3,9. Những nguyên nhân dẫn đến sự kém cỏi này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất bao gồm:

Nguyên nhân  thứ nhất là phương pháp học sai

Để so sánh, giáo dục Hà Lan đặt trọng tâm vào nghe nói và thực hành. Điều này khác với Việt Nam nặng về ngữ pháp. Giở một cuốn sách tiếng Anh lớp 6 thôi mà chính bản thân tôi còn thấy có từ mới mình không hề biết, cùng những cấu trúc câu phức tạp ít dùng trong giao tiếp sơ đẳng. Vì vậy, một bạn nhỏ ở Việt Nam có thể viết một câu tiếng Anh rất đầy đủ, nhưng khi gặp người nước ngoài thì sau “How are you? I’m fine, thank you, and you?” xong là có khi không nói được gì nữa.

Nguyên nhân thứ hai là mục đích học cũng bị hiểu sai

Tại Việt Nam, học ngoại ngữ được coi là để thi đậu và lấy bằng. Các hình thức đánh giá hiệu quả dạy học chỉ tập trung vào đọc hiểu, nhất là các kỳ thi chuyển cấp. Vì vậy, giáo viên dạy để học sinh thi đậu, và học sinh học để thi đậu.

Mục đích học để giao tiếp bị đo ván trong trận so găng với mục đích học để đọc hiểu. Đó là chưa nói đến những mục đích lớn hơn như kết nối thông tin, mở rộng kiến thức, tăng cơ hội nghề.

Nguyên nhân thứ ba gồm các khó khăn vốn tồn đọng với tất cả các bộ môn khác như lớp đông, trình độ giáo viên, và cơ sở vật chất.

Học ngoại ngữ gì cho phù hợp?

Bộ Giáo dục cho phép học sinh và nhà trường chọn trong năm ngoại ngữ 1 để giảng dạy. Đó là tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật. Mới đây, Bộ đưa thêm tiếng Đức và tiếng Hàn, vốn là ngoại ngữ 2, gộp vào với danh sách ngoại ngữ 1. Như vậy, một trường có thể chọn trong 7 ngoại ngữ. Điều này thoạt tiên gây hiểu lầm là học sinh nay phải học tiếng Đức, tiếng Hàn.

Nhiều người cho rằng ngoại ngữ 1 như vậy là quá nhiều lựa chọn, ôm đồm, và không có mũi nhọn. Nếu chỉ được chọn một ngoại ngữ để dạy thì như vậy còn khiến tiếng Anh – vốn là ngôn ngữ văn hoá thương mại quan trọng nhất, bị mất cơ hội. Có thể trên thực tế, những nơi chọn ngoại ngữ ngoài tiếng Anh thì học sinh đã có cơ hội học tiếng Anh đâu ra đó rồi.

Tuy nhiên, để khiến bức tranh giáo dục ngoại ngữ đỡ phức tạp, Bộ Giáo dục nên cân nhắc một quan điểm khá phổ biến ở các nước đi trước: Tiếng Anh là đương nhiên bắt buộc, các thứ tiếng còn lại là ngoại ngữ lựa chọn.

Bộ Giáo dục cũng nên cân nhắc việc truyền đạt thông tin một cách đơn giản cụ thể đến cho các em học sinh. Học mà không có động lực rõ ràng thì các em sẽ chỉ học để thi. Giống như một em học sinh Hà Lan có thể mạch lạc giải thích tại sao em cần học tiếng Đức, một em học sinh Việt Nam cũng cần biết tại sao mình nên học tiếng Đức, tiếng Hàn.

Những thông tin đó có thể rất đơn giản, như việc cho các em thấy con số 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cùng gần nửa triệu khách du lịch. Hay hấp dẫn hơn, nếu em học tiếng Đức thành thạo, đây là một trong số ít các quốc gia cho em học đại học miễn phí bằng tiếng Đức. Tiếng nói và nhận thức của trẻ em cần được coi trọng hơn, vì khi thực sự ham học, các em sẽ tự học, không cần ai ép buộc.

Một chiến lược về số lượng ngoại ngữ thường dựa trên các phân tích xã hội và kinh tế cẩn trọng, ví dụ dựa vào đối tác thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, bất kể chiến lược ấy tốt ra sao, nếu phương pháp dạy của giáo viên không hiệu quả và mục đích học của học sinh không đủ mạnh mẽ, hàng nghìn tỷ sẽ tiếp tục đổ sông đổ bể. Đến tiếng Anh quan trọng như thế, lợi ích rõ rệt như thế mà còn kết quả còn dở tệ, thì vấn đề nan giải của Bộ không phải là học ngoại ngữ gì, mà là học thế nào.

Theo BBC